Đến năm 2116 với sự giúp đỡ của máy in 3D có thể sản xuất không chỉ đồ nội thất, mà còn làm ra được nguyên cả tòa nhà và mọi trang thiết bị.
Các nhà khoa học từ Đại học Tổng hợp Westminster của Anh vừa công bố một nghiên cứu, theo đó nhân loại có thể đạt tới bước đột phá công nghệ nhảy vọt trong thế kỷ này. Cụ thể, trong 100 năm tới, nhân loại sẽ bắt đầu sử dụng những tòa nhà chọc trời lạ thường vì chìm dưới mặt đất 25 tầng. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng dự đoán sự xuất hiện của công nghệ xây dựng siêu tốc. Nghiên cứu cũng giả định về sự phổ biến rộng rãi của các máy in 3D, và gia tăng tính đa dạng cũng như qui mô phương pháp ứng dụng công nghệ này.
Đến năm 2116 với sự giúp đỡ của máy in 3D có thể sản xuất không chỉ đồ nội thất, mà còn làm ra được nguyên cả tòa nhà và mọi trang thiết bị. Nhà xây bằng máy in 3D hiện nay không còn là điều xa lạ. Ngay từ năm 2015, các công ty xây dựng tại Trung Quốc đã có thể xây cả tòa chung cư 6 tầng chỉ trong 1 ngày hay cả căn biệt thự 2 tầng trong nháy mắt bằng máy in 3D đặc biệt. Tháng 7/ 2015, người dân thành phố Tây An, Trung Quốc đã rất bất ngờ khi chứng kiến một ngôi biệt thự được hoàn thành trong vòng 3 giờ. Từng bộ phận của ngôi nhà như tường, khung cửa... đều được tạo nên nhờ chiếc máy in 3D khổng lồ. "Mực" được sử dụng để in là hỗn hợp của các chất thải xây dựng như kính, thép và xi măng. "Mực" được phun vào từng lớp một cho tới khi tạo ra một bức tường dày. Được biết, công trình xây dựng này trị giá 2.500 tới 3.000 nhân dân tệ mỗi m2.
Quá trình xây dựng căn nhà, công nhân đang tiến hành lắp ráp các bộ phận căn nhà lại với nhau.
Theo WinSun, công nghệ này giúp tiết kiệm từ 30% đến 60% các chất thải xây dựng, có thể làm giảm thời gian sản xuất khoảng 50% đến 70%, và tiết kiệm chi phí lao động từ 50% đến 80%. Tổng chi phí cho một căn biệt thự như thế có giá khoảng 161,000 USD. Trong năm 2014, một công ty xây dựng khác ở Trung Quốc cũng đã xây dựng 10 căn nhà riêng lẻ trong vòng 24 giờ bằng các máy in 3D khổng lồ và vữa khô nhanh gồm vật liệu phế thải và xi măng.
Các kỹ sư cho biết, ngành công nghiệp xây dựng thải ra rất nhiều khí carbon, nhưng với công nghệ in 3D, sẽ không có khí thải, bên cạnh đó còn tái chế được những vật liệu phế thải. Công nghệ này cũng giúp các công nhân ít phải tiếp xúc với chất độc hại, sạch sẽ hơn và ít tiếng ồn hơn. Sử dụng vật liệu tái chế để in nhà cũng giúp cắt giảm một nửa chi phí cho các công ty xây dựng. Các kỹ sư cũng cho thiết, so với vật liệu xây dựng truyền thống như bê tông và sắt thép, vật liệu mới này nhẹ và bền hơn. Giới chuyên gia công nghệ thế giới cũng đánh giá kiểu nhà do máy in 3D khổ lớn đã mở đường cho hoạt động xây dựng những công trình ngoài trái đất như trên mặt trăng hay những hành tinh khác, nơi điều kiện môi trường không cho phép thực hiện những cấu trúc đòi hỏi nhiều thời gian, công sức.